Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, dừa sáp Trà Vinh như ‘con chim công trong lồng’, chưa được tô điểm đúng mức để phát huy giá trị tuyệt đối.
Cần coi dừa sáp như một tài sản quý
Dừa sáp Cầu Kè – một đặc sản trứ danh của tỉnh Trà Vinh đã tồn tại và phát triển suốt hơn 100 năm qua. Theo người dân địa phương, vào năm 1924, Hòa thượng Thạch Sô sau khi hoàn thành khóa tu tại Campuchia đã mang theo hai cây dừa sáp từ tỉnh Battambang về trồng tại chùa Chợ (huyện Cầu Kè, Trà Vinh). Những cây dừa này sinh trưởng và cho trái có lớp sáp đặc biệt, dần trở thành đặc sản chỉ có ở vùng đất này.
Trong 20 năm trở lại đây, diện tích trồng dừa sáp tại Trà Vinh đã tăng mạnh, từ 4ha năm 2005 lên 170ha năm 2017 và đạt 1.277ha vào năm 2024, tương đương khoảng 250.000 cây, chiếm 4,67% tổng diện tích dừa của toàn tỉnh.
So với các giống dừa khác, dừa sáp mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Nếu như dừa thường chỉ có giá từ 6.000 – 9.000 đồng/quả thì dừa sáp có thể bán với giá từ 140.000 – 160.000 đồng/quả. Ngay cả những quả không đạt chuẩn vẫn được bán với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/quả, gấp 2,5 – 3 lần dừa thường. Lợi nhuận từ dừa sáp đạt trung bình 120 triệu đồng/ha, cao gấp 6 lần so với dừa thường
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, dừa sáp Trà Vinh có những đặc trưng riêng không nơi nào có được, khác với dừa sáp nước ngoài nhờ quá trình thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là việc chưa xây dựng được thương hiệu mạnh.
“Dừa sáp như con chim công trong lồng chưa được tô điểm đúng mức để phát huy giá trị tuyệt đối của nó”. Việc xác định xuất xứ, mã vùng trồng và đăng ký bảo hộ giống đầu dòng là những bước đi cần thiết để biến dừa sáp Trà Vinh thành một thương hiệu quốc gia, tương tự như trường hợp gạo ST24, ST25”, ông Khoa ví von.
Ông Khoa nhấn mạnh tỉnh Trà Vinh cần coi dừa sáp như một tài sản quý để khai thác và phát triển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Theo ông, thu nhập từ nông nghiệp, đặc biệt là từ các đặc sản địa phương như dừa sáp sẽ mang lại giá trị cao, ổn định và ít rủi ro nhất hiện nay.
Nếu dừa sáp trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer tại các huyện, sẽ không chỉ tạo sinh kế bền vững cho bà con mà còn góp phần làm giàu nhanh chóng cho quê hương.
Chào đón đầu tư
Theo lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng dừa sáp thành thương hiệu quốc gia, tỉnh đã có chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, Trà Vinh đặt mục tiêu phát triển thêm 550ha dừa sáp, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng và áp dụng công nghệ giống tiên tiến như cấy phôi và cấy mô để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Các tổ chức, cá nhân cũng sẽ được hỗ trợ tiếp cận các chính sách sản xuất, kinh doanh, chế biến, kết hợp với chuyển đổi số để minh bạch thông tin trong quá trình giao dịch.
Ngoài ra, tỉnh đang đẩy mạnh cải tiến quy trình sản xuất và chế biến, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị và phát triển các cơ sở thu mua, chế biến tại địa phương nhằm giảm chi phí và gia tăng giá trị sản phẩm. Việc xúc tiến thương mại và quảng bá qua các kênh công nghệ như sàn thương mại điện tử, Facebook, Zalo… cũng là những hướng đi quan trọng để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Song song đó, tỉnh cũng tăng cường giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng và nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, từ đó xây dựng chuỗi giá trị bền vững.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào chế biến sâu dừa sáp với mục tiêu đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm của ĐBSCL về ngành hàng dừa. Trà Vinh cũng kêu gọi các doanh nghiệp cùng hợp tác để đưa dừa sáp ra thị trường quốc tế, trở thành niềm tự hào của người dân Trà Vinh và cả nước.
Nguồn:Nông Nghiệp.vn