Kon Tum Canh tác khoai tây trái vụ theo công nghệ châu Âu, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plong được lãi ròng 100 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Phạm Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông (Trung tâm) cho biết, toàn bộ nguồn giống đưa vào trồng đều do Tập đoàn PepsiCo cung ứng, đảm bảo sạch bệnh và năng suất, chất lượng cao, phù hợp cho chế biến công nghiệp. Đồng thời hầu hết quá trình canh tác cây khoai tây như làm đất, bón phân, tưới nước, xới cỏ và bới củ đều thực hiện bằng máy chuyên dùng. Chỉ còn khâu thu gom củ và đóng bao là phải làm thủ công.
Khâu phòng trừ sâu bệnh cho cây khoai tây được tự động hoá hoàn toàn bằng máy bay không người lái, tưới nước và bón thúc phân cho khoai tây qua đường ống nhỏ giọt tới từng gốc cây. Để kết hợp được tưới nước và bón phân cho cây khoai trong cùng hệ thống tưới nhỏ giọt, Trung tâm phải mua các loại phân khoáng chuyên dụng nhập khẩu từ Na Uy có hàm lượng tinh chất cao, tan nhanh, không lắng cặn, không gây tắc đường ống dẫn tưới.
Do cánh đồng trồng khoai tây nằm trong vùng núi cao nên thời tiết thường có sương muối gây hiện tượng cháy lá khoai tây. Để khắc phục, Trung tâm phải đầu tư lắp đặt thêm hệ thống cột béc nước rải khắp cánh đồng nhằm tự động tưới phun mưa để rửa sạch sương muối trên cây khoai tây khi cần.
Kết quả thu hoạch, năng suất khoai tây đạt 22 tấn củ/ha/vụ, được Tập đoàn PepsiCo bao tiêu toàn bộ với giá 12.000 đồng/kg, doanh thu đạt 2,6 tỷ đồng, trừ hết chi phí đầu tư còn lãi hơn 100 triệu đồng/ha. Để có được năng suất này, Trung tâm đã bón lót cho 1ha cây khoai tây 300kg vôi bột, 1.000kg lân nung chảy Văn Điển và 20.000kg phân hữu cơ ủ mục với chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma (mua từ các công ty chăn nuôi bò sữa trong khu vực). Do đất canh tác rất chua (pH chỉ đạt 4,0) nên phải bón đủ liều lượng vôi để nâng pH đất lên 6,5 – 7,0.
Ông Phạm Thanh cho biết do khoai tây sản xuất trái vụ nên nhiệt độ không khí còn khá cao (22 – 28 độ C), năm nay cũng có mưa nhiều bất thường so với các năm trước nên cây khoai phát triển thân lá nhiều, dẫn đến năng suất giảm so với dự kiến.
Theo bà Lê Thị Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Kon Plông, để có được cánh đồng đủ rộng cho sản xuất thử nghiệm khoai tây trái vụ theo công nghệ châu Âu, Trung tâm phải mượn lại ruộng của người dân đang chờ quy hoạch, sau thuê máy ủi gom dọn sạch các bụi cây hoang dại trên đồng rồi mới đưa máy móc vào làm đất, lên luống, xẻ rạch, bón phân, xuống giống, vun trồng.
Hiện Trung tâm tiếp tục phối hợp với các hộ dân và Tập đoàn PepsiCo triển khai sản xuất vụ khoai tây thứ 2 với diện tích khoảng 200ha. “Đây là vụ sản xuất chính vào mùa khô, ít mưa, nhiệt độ không khí cũng giảm dần, còn trung bình 22 – 24 độ C, thích hợp để trồng khoai tây. Mặt khác, khu vực trồng khoai cũng gần suối nước tự nhiên, thuận tiện cho việc tưới tiêu nên chắc chắn năng suất, chất lượng khoai tây sẽ cao hơn đáng kể”, bà Liên nói.